NAS là gì? Tính năng nổi bật của NAS trong việc lưu trữ dữ liệu

28/12/24

Bạn đang sở hữu một lượng lớn dữ liệu quan trọng và muốn bảo vệ chúng an toàn, đồng thời truy cập mọi lúc mọi nơi? NAS chính là giải pháp hoàn hảo dành cho bạn. Hãy cùng Hoàng Hải tìm hiểu về NAS là gì? Tính năng nổi bật của NAS trong việc lưu trữ dữ liệu thông qua bài viết bên dưới nhé.

Ổ cứng mạng NAS là gì?

NAS viết tắt của Network Attached Storage là một loại ổ cứng mạng dùng để lưu trữ dữ liệu và cho phép nhiều người dùng và máy khách có thể truy cập dữ liệu từ một nguồn tập trung. 

NAS là gì?
NAS là gì?

Về cơ bản, NAS như một máy tính nhỏ không có bàn phím hoặc màn hình và được quản lý bằng tiện ích dựa trên trình duyệt. Các thành phần của NAS bao gồm CPU, hệ điều hành, RAM hoặc một vài khe cắm mở rộng như USB, nguồn. Ổ cứng NAS không gắn trực tiếp vào máy tính mà kết nối có dây thông qua mạng Ethernet hoặc không dây thông qua Wifi.

Sự khác biệt giữa ổ cứng mạng NAS và dịch vụ lưu trữ đám mây

NAS tương tự như một dịch vụ lưu trữ đám mây thông thường cho phép người dùng có thể lưu trữ dữ liệu, chia sẻ tệp một cách tập trung ngay cả khi truy cập từ xa. Cả 2 giải pháp đều mang đến sự thuận tiện, đơn giản và dễ sử dụng trong lưu trữ và chia sẻ dữ liệu cho người dùng. Tuy nhiên, chúng vẫn có sự khác biệt cơ bản:

Dịch vụ lưu trữ đám mây lưu dữ liệu của bạn trên đám mây, hay nói cách khác là một cơ sở dữ liệu của một nhà phát hành nào đó ví dụ như Google Drive là nơi lưu trữ dữ liệu của Google. Trong khi, NAS là thiết bị vật lý được đặt tại nhà hoặc văn phòng của bạn.

Sự khác biệt so với dịch vụ đám mây
Sự khác biệt so với dịch vụ đám mây

Chi phí đầu tư ban đầu của ổ NAS cao hơn so với dịch vụ đám mây. Ngoài ra, dung lượng của ổ cứng NAS là cố định, tức là nếu bạn muốn lưu trữ dữ liệu có dung lượng vượt quá dung lượng ổ cứng thì bạn sẽ cần mua thêm một ổ cứng khác. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp của bạn đang cần lưu trữ dữ liệu quan trọng đòi hỏi tính bảo mật cao thì NAS là một lựa chọn tối ưu. Vì sử dụng NAS cho phép bạn kiểm soát hoàn toàn dữ liệu của mình, trong khi dùng dịch vụ đám mây đòi hỏi bạn phải phụ thuộc vào khả năng bảo mật của nhà cung cấp.

Những tính năng nổi bật của NAS trong việc lưu trữ dữ liệu

Lưu trữ dữ liệu tập trung: NAS lưu trữ dữ liệu của bạn trên một thiết bị duy nhất giúp cho việc quản lý và chia sẻ dữ liệu một cách hiệu quả hơn.

Sao lưu dữ liệu: tính năng sao lưu dữ liệu tự động của NAS giúp bảo vệ dữ liệu an toàn khỏi mất mát do sự cố phần cứng, phần mềm hoặc lỗi của người dùng.

Khả năng truy cập từ xa: người dùng có thể truy cập dữ liệu NAS ở bất kì đâu thông qua kết nối Internet.

Đồng bộ hóa đám mây: đồng bộ dữ liệu NAS với các dịch vụ lưu trữ đám mây như Dropbox, Google Drive,… giúp truy cập dữ liệu từ mọi nơi.

Streaming Media: một số thiết bị NAS có trang bị tính năng streaming media, giúp người dùng truy cập và phát sóng các nội dung đa phương tiện như video, âm nhạc và hình ảnh trên các nền tảng thiết bị di động.

Hỗ trợ nhiều ứng dụng di động: thiết bị hỗ trợ trên nhiều nền tảng di động Android, IOS.

Hỗ trợ các tác vụ khác: Hỗ trợ nhiều dịch vụ và ứng dụng khác như máy chủ web, máy chủ email, máy chủ FTP,…  

Lợi ích khi sử dụng NAS

  • Giao diện thân thiện với người dùng giúp hệ thống NAS dễ dàng cấu hình và bảo trì.
  • Chi phí bảo trì của NAS thấp hơn so với các loại hệ thống lưu trữ mạng khác.
  • Có thể truy cập từ xa mang lại sự linh hoạt cho người dùng mạng.
  • Cung cấp tính năng sao lưu dữ liệu tự động. NAS thường đi kèm phần mềm sao lưu tích hợp, ngăn ngừa nguy cơ mất dữ liệu.
  • NAS có thể dễ dàng nâng cấp để có thêm dung lượng lưu trữ.

Lưu ý khi mua ổ cứng mạng NAS

Việc lựa chọn thiết bị NAS phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp là một vấn đề quan trọng. Bỏ qua những cân nhắc về giá cả, người dùng NAS nên cân nhắc một loạt các yếu tố khi lựa chọn sản phẩm, bao gồm: 

Dung lượng: dung lượng là yếu tố quan trọng nhất cần lưu ý khi mua NAS. Có 2 vấn đề chính cần lưu ý khi lựa chọn dung lượng lưu trữ gồm số lượng đĩa và cách tổ chức của các đĩa đó. Ví dụ, NAS có thể chứa hai đĩa 4 TB, thì dung lượng của NAS có thể là 8 TB. Nhưng nếu các đĩa đó được cấu hình là RAID 1, thì hai đĩa đó chỉ sao chép lẫn nhau; do đó, tổng dung lượng có thể sử dụng chỉ là 4 TB, nhưng dung lượng lưu trữ sẽ là dư thừa. Hầu hết các hệ thống NAS đều hỗ trợ các cấp độ RAID phổ biến như RAID 0, 1, 5 và 10.

Hình thức lắp đặt: hai yếu tố lắp đặt NAS là rackmount và tower. Một NAS doanh nghiệp có thể sử dụng rackmount 2U hoặc 4U để lắp đặt vào giá đỡ trung tâm dữ liệu. NAS tower có thể là lựa chọn tốt để triển khai trong tủ dữ liệu của phòng ban nhỏ hơn hoặc thậm chí trên máy tính để bàn. 

Hiệu suất và bộ xử lý: Bộ xử lý của NAS quyết định mức độ hiệu quả xử lý các tác vụ, chẳng hạn như truyền tệp, sao lưu và phát trực tuyến phương tiện. Thực tế thì NAS không cần phải có bộ CPU quá mạnh như i7 hoặc i9 của máy tính truyền thống. Hiện nay phần lớn các dòng NAS Storage tầm trung thường sử dụng các dòng CPU Intel Atom, Celeron và Pentium lõi tứ 4 hoặc các dòng CPU nhúng của AMD.

Lưu ý khi mua ổ cứng mạng NAS
Lưu ý khi mua ổ cứng mạng NAS

Dung lượng RAM: tùy vào số lượng người dùng NAS mà doanh nghiệp lựa chọn thiết bị cho phù hợp. Nếu chỉ sử dụng NAS với mục đích sao lưu dữ liệu đơn, phát các file phương tiện đơn giản thì dung lượng 1-4GB RAM là đủ. Nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xử lý lượng dữ liệu lớn hơn như giám sát hệ thống camera, tạo máy chủ lưu trữ mail,… thì 8 GB là con số tối thiểu mà doanh nghiệp cần lưu trữ.

Kết nối: Hầu hết các thiết bị NAS đều bao gồm một hoặc nhiều cổng Ethernet truyền thống để kết nối mạng có dây. NAS được thiết kế cho các môi trường nhỏ hơn có thể hoạt động bằng kết nối Wi-Fi hoặc USB đối với những NAS nhỏ dành cho người dùng cuối.

Bảo mật: Lựa chọn thiết bị NAS cung cấp mã hóa dữ liệu gốc và kiểm soát truy cập mạng mạnh mẽ để đảm bảo rằng chỉ những người dùng và ứng dụng được ủy quyền mới có thể truy cập vào bộ lưu trữ.

Tính khả dụng: thiết bị NAS dễ triển khai, cấu hình, xem xét các tính năng và chức năng đi kèm với HĐH/phần mềm NAS.

Một số thương hiệu NAS nổi tiếng

Synology

Synology là thương hiệu Đài Loan được thành lập năm 2000, chuyên sản xuất các thiết bị lưu trữ (NAS), thiết bị giám sát IP và các thiết bị mạng khác. Đây cũng là thương hiệu nổi tiếng trên thị trường và được đông đảo các doanh nghiệp lựa chọn. Hãng NAS Synology không chỉ cho ra đời các dòng sản phẩm có thiết kế bắt mắt mà còn tập trung vào cải tiến sản phẩm. Ưu điểm nổi bật hãng là hệ điều hành DiskStation Manager (DSM) trực quan giúp người dùng dễ dàng cài đặt, cấu hình mà không yêu cầu quá cao về kiến thức chuyên môn. Kho ứng dụng phong phú đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau như lưu trữ dữ liệu, chia sẻ, quản lý file,… cùng với hệ thống bảo mật toàn diện, giúp bảo vệ dữ liệu an toàn trước các mối đe dọa. Có thể nói, thiết bị này là một giải pháp lý tưởng để quản lý dữ liệu lớn dành cho doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Một số sản phẩm NAS nổi tiếng: NAS Synology DS420+, NAS Synology DS920+, NAS Synology DS1621+, NAS Synology DS1821+,…

Synology
Synology

QNAP

QNAP là giải pháp lưu trữ thông minh, đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng, từ cá nhân cho đến doanh nghiệp. Với hiệu năng vượt trội, kho tính năng phong phú và khả năng tùy biến cao, NAS QNAP giúp bạn bảo vệ dữ liệu an toàn, chia sẻ tập tin dễ dàng và nâng cao hiệu quả làm việc. Được thành lập từ năm 2004 tại Đài Loan, QNAP không ngừng đổi mới, mang đến những giải pháp lưu trữ tối ưu, phù hợp với mọi quy mô và ngành nghề.

Một số dòng QNAP phổ biến: TS-x51/x53, TVS-x72, TS-h973AX,…

QNAP
QNAP

Western Digital

Western Digital, thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực lưu trữ, không chỉ nổi tiếng với các ổ cứng mà còn sở hữu dòng sản phẩm NAS My Cloud vô cùng tiện lợi. Với My Cloud, bạn dễ dàng tập trung và truy cập dữ liệu của mình từ mọi thiết bị trong mạng gia đình hoặc văn phòng nhỏ, giúp bạn quản lý công việc và giải trí một cách hiệu quả.

Các dòng sản phẩm NAS Western Digital phổ biến: My Cloud Home, My Cloud EX2 Ultra, My Cloud EX4100, My Cloud Pro Series PR4100

Netgear

Mặc dù, Netgear không phải là một thương hiệu nổi bật về thiết bị NAS tuy nhiên nó vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường dưới tên gọi ReadyNAS. ReadyNAS tập trung vào hiệu năng cao, bảo mật dữ liệu và khả năng mở rộng linh hoạt, phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như người dùng cá nhân có nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu chuyên nghiệp.

Một số dòng sản phẩm ReadyNAS phổ biến: dòng 200/300, 400/500, 600/700

Netgear
Netgear

Kết luận

Trên đây là những thông tin về NAS là gì? Tính năng nổi bật của NAS trong việc lưu trữ dữ liệu. Hy vọng rằng những thông tin này đã cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan hơn trong việc lựa chọn thiết bị NAS phù hợp cho nhu cầu của bạn. Đừng ngần ngại liên hệ cho chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn về sản phẩm.